Phương án tác chiến Chiến_dịch_Barbarossa

Quân đội Đức

Bài chi tiết: Kế hoạch Barbarossa
Trang đầu bản Chỉ thị số 21 của Adolf Hitler về việc thi hành Kế hoạch Barbarossa

Ngày 21 tháng 7 năm 1940, Adolf Hitler giao cho Bộ Tổng chỉ huy lục quân Đức soạn thảo Kế hoạch Otto. Tại Chỉ thị số 21 của Bộ Tổng tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang của Đế chế (Reich) ngày 18 tháng 12 năm 1940 và Chỉ thị về việc tập trung và triển khai có tính chiến lược các lực lượng quân đội ngày 31 tháng 1 năm 1941 đã chỉ ra những phương án cuối cùng được duyệt của kế hoạch này, đồng thời, thông báo lệnh của Quốc trưởng đổi tên thành Kế hoạch Barbarossa. Kế hoạch này dự định khởi sự ngày 15 tháng 6 năm 1941, tấn công và đánh chiếm Liên Xô (chủ yếu là phần lãnh thổ thuộc châu Âu) trong một thời gian ngắn ngay trước khi kết thúc chiến tranh với Anh. Ý đồ chiến lược của kế hoạch này là dùng ba đòn vu hồi liên tiếp chia cắt chính diện mặt trận Xô-Đức; hợp vây các lực lượng chủ yếu của quân Nga trên các vùng Pribaltic, Belorussia, Ukraina và miền Tây nước Nga (vùng phụ cận Smolensk). Trọng tâm tác chiến là sử dụng các tập đoàn quân xe tăng tiến hành những đòn đột kích sâu ở phía Bắc và phía Nam khu vực đầm lầy Pripiat (khu tiếp giáp giữa BelorussiaUkraina), tiêu diệt những cách quân đã bị chia cắt trước khi tiến chiếm Moskva, Leningrad, vùng công nghiệp Donbass cũng như vùng đồng bằng trung và hạ lưu sông Volga[53].

Để có thể giành được một chiến thắng chớp nhoáng, quân Đức buộc phải nhanh chóng hủy diệt Hồng quân Liên Xô trong những chuỗi tấn công và hợp vây trên. Vì vậy mục tiêu chính yếu trước mắt của kế hoạch Barbarossa chính là Hồng quân Liên Xô và sau đó mới là đánh chiếm những vùng đất đai quan trọng hay đạt được những thắng lợi về chính trị. Bản thân Hitler đã nói: so với việc tiêu diệt Hồng quân thì "đánh chiếm Mạc Tư Khoa không thật sự quá quan trọng".[54] Chỉ thị số 21 đã nêu rõ ý định của Hitler như sau:

Các lực lượng của Hồng quân ở miền Tây nước Nga sẽ bị hủy diệt bởi những chiến dịch táo bạo bao gồm những đòn tấn công thọc sâu của các lực lượng thiết giáp xung kích; và việc rút lui thành công của các nhân tố giúp đối phương có thể chiến đấu vào những vùng lãnh thổ mênh mông của nước Nga sẽ bị ngăn chặn.

Bằng những cuộc truy kích thần tốc, chúng ta sẽ tiến tới được một giới tuyến mà ở đó Không quân Nga sẽ không thể nào tổ chức được một cuộc tấn công vào lãnh thổ của Đức.

— Chỉ thị số 21 của Bộ Tổng tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang của Đế chế, [55]

Phương án tác chiến ban đầu của Kế hoạch Otto tháng 12 năm 1940 là dùng các đòn đột kích liên tiếp của nhiều thê đội xe tăng - thiết giáp mạnh (4 tập đoàn quân xe tăng), sử dụng chiến thuật "luân xa chiến", mở đường tấn công một mạch từ Brest qua Minsk (cách Brest gần 350 km)) và Smolensk (cách Minsk hơn 380 km) đến Moskva (cách Smolensk chừng 400 km) theo lối đánh "gạt đối phương ra để tiến"; nhanh chóng đánh tan cơ quan lãnh đạo tối cao của Nhà nước và quân đội Liên Xô tại Moskva và kết thúc sớm chiến tranh trong vòng vài tuần lễ[56]. Đến ngày 3 tháng 2 năm 1941, nhận thấy phương án này khá phiêu lưu do kéo dài tuyến mặt trận hai bên sườn và các đường tiếp tế cũng phải kéo dài, rất dễ bị Quân đội Liên Xô công kích và chia cắt từ hai phía Bắc và Nam (như đã xảy ra với quân đội của Napoleon năm 1812), các tướng lĩnh Đức Quốc xã đưa ra phương án cuối cùng, chia quân đội Đức ở mặt trận phía Đông thành ba cụm tập đoàn quân, tấn công trên ba hướng chiến lược:[57]

Cụm tập đoàn quân Bắc

Thống chế Wilhelm Ritter von Leeb, tư lệnh Cụm tập đoàn quân Bắc

Cụm tập đoàn quân phụ trách hướng tấn công vào Tây Bắc Liên Xô, do Thống chế Wilhelm Ritter von Leeb chỉ huy. Trên chính diện từ phía Bắc Goldapa đến Klaipeda trên bờ biển Baltic, cụm quân này được giao nhiệm vụ mở hai mũi vu hồi bằng đường bộ và đường biển, hợp vây các đơn vị thuộc Quân khu Pribaltic của Quân đội Liên Xô, tấn công dọc theo bờ biển Baltic hướng về Leningrad, bao vây và đánh chiếm thành phố này cùng với các cảng trên biển Baltic, bao gồm Tallinn và Kronstadt. Cụm tập đoàn quân này gồm 29 sư đoàn, được biên chế vào các đơn vị:

  • Tập đoàn quân xe tăng 4 của do tướng Erich Höpner chỉ huy
  • Tập đoàn quân 16 binh chủng hợp thành
  • Tập đoàn quân 18 bình chủng hợp thành
  • Quân đoàn xe tăng 56, một sư đoàn bộ binh cơ giới mô tô hóa và một sư đoàn pháo binh cơ giới[58][59].

Phối hợp với cụm tập đoàn quân này có Tập đoàn quân sơn cước 20 (còn gọi là tập đoàn quân Lapland), bảy sư đoàn bộ binh Phần Lan tấn công từ phía Bắc eo đất Karelia, phân hạm đội Đông Baltic của Hải quân Đức từ phía biển và Tập đoàn quân không quân 3 yểm hộ từ trên không[60].

Cụm tập đoàn quân Trung tâm

Đây là cụm quân chủ lực, có binh lực, hỏa lực và phương tiện mạnh nhất trong ba cụm tập đoàn quân Đức Quốc xã trong chiến dịch (hai trong số 4 tập đoàn quân thiết giáp của Đức - tập đoàn quân số 2 và số 3 - nằm trong cụm quân này[55]. Cụm này do Thống chế Fedor von Bock chỉ huy. Trên chính diện từ Goldapa đến thành phố Włodawy, Cụm tập đoàn quân Trung tâm có nhiệm vụ mở ba đòn vu hồi liên tiếp của hai tập đoàn quân xe tăng và một quân đoàn xe tăng độc lập, hợp điểm lần lượt tại Minsk, Smolensk và cuối cùng là Moskva. Các tập đoàn quân bộ binh tiến theo xe tăng có nhiệm vụ bao vây, tiêu diệt các đơn vị chủ lực của Quân đội Liên Xô ở phía Tây sông Neman (tức khu vực Ba Lan đang do Liên Xô chiếm đóng), phía tây sông Berezina (tức miền Tây Belarus) và cuối cùng là vùng phụ cận Moskva tại Rzhev - Vyazma.

Thống chế Fedor von Bock, Tư lệnh Cụm tập đoàn quân Trung tâm

Cụm tập đoàn quân này gồm 50 sư đoàn (trong đó có 15 sư đoàn xe tăng), được biên chế vào các đơn vị:

  • Tập đoàn quân xe tăng 2 do tướng Heinz Guderian chỉ huy
  • Tập đoàn quân xe tăng 3 do tướng Hermann Hoth chỉ huy
  • Tập đoàn quân 2 binh chủng hợp thành
  • Tập đoàn quân 4 binh chủng hợp thành
  • Tập đoàn quân 9 binh chủng hợp thành
  • Quân đoàn xe tăng 8
  • Ba quân đoàn bộ binh độc lập
  • Ba sư đoàn pháo binh cơ giới.

Cụm tập đoàn quân Trung tâm được các tập đoàn quân không quân 2 và 6 yểm hộ từ trên không[61].

Cụm tập đoàn quân Nam

Đây cũng là một cụm quân rất mạnh của Quân đội Đức Quốc xã do Thống chế Gerd von Rundstedt chỉ huy, gồm 46 sư đoàn (trong đó có 9 sư đoàn xe tăng). Chính diện tấn công từ Lublin đến cửa sông Danube trên bờ Biển Đen được chia làm hai hướng. Hướng Shepetivka - Kiev có 34 sư đoàn (trong đó có 7 sư đoàn xe tăng, hai sư đoàn cơ giới). Hướng Tarnopol - Odessa có 11 sư đoàn (trong đó có hai sư đoàn xe tăng và 1 sư đoàn cơ giới). Hai mục tiêu hợp vây Quân đội Liên Xô được hoạch định là Kiev và bán đảo Krym. Biên chế của cụm quân này gồm có:

Các đơn vị này được sự yểm hộ từ trên không của tập đoàn quân không quân 4 của tướng Wolfram Freiherr von Richthofen.[59][62]

Lực lượng dự bị chiến dịch

Ngoài 153 sư đoàn có mặt ở tuyến đầu, Quân đội Đức Quốc xã cùng chuẩn bị một lực lượng dự bị tuyến hai để phát huy chiến quả hoặc tiếp quản những vùng đất đã chiếm được sau khi các lực lượng tuyến một đẩy mặt trận lên phía trước. Tổng số lực lượng này có 24 sư đoàn[59], gồm có:

  • Hai quân đoàn Đức (trong đó có một quân đoàn cơ giới)
  • Tập đoàn quân 8 Ý
  • Tập đoàn quân 2 Hungary
  • Các tập đoàn quân Romania 3 và 4[63].

Quân đội Liên Xô

Toàn bộ Quân đội Liên Xô tại phần lãnh thổ châu Âu của họ được bố trí trên 10 quân khu[48]:

Các quân khu biên giới phía Tây

Đơn vịChính diện
phòng thủ
Bộ binh nhẹXe tăngBộ binh
cơ giới
Kỵ binhTư lệnhChính uỷTham mưu trưởng
Quân khu Leningrad2.100 km12 sư đoàn
1 lữ đoàn
3 sư đoàn1 sư đoàn3 sư đoànTrung tướng
M. M. Popov
Chính ủy quân đoàn
A. A. Zhdanov
Đại tá
N. V. Gorodeski
Quân khu
đặc biệt Pribaltic
380 km19 sư đoàn
1 lữ đoàn
4 sư đoàn2 sư đoànKhông có
thống kê
Thượng tướng
F. I. Kuznessov
Chính ủy quân đoàn
P. A. Dibrova
Thiếu tướng
P. X. Klenov
Quân khu
đặc biệt miền Tây
640 km24 sư đoàn12 sư đoàn6 sư đoàn2 sư đoànĐại tướng
D. G. Pavlov
Chính ủy quân đoàn
A. F. Fominyk
Thiếu tướng
V. E. Klimovskics
Quân khu
đặc biệt Kiev
860 km32 sư đoàn16 sư đoàn8 sư đoàn2 sư đoànThượng tướng
M. P. Kirponosh
Chính ủy quân đoàn
N.N.Vashughin (30-6),
Chính uỷ lữ đoàn
E.P.Rykov(1-7)
Trung tướng
M.A.Purkaev (30-7),
Thiếu tướng
V.I.Tupikov (1-8)
Quân khu Odessa320 km13 sư đoàn4 sư đoàn2 sư đoàn3 sư đoànTrung tướng
Ya. T.Terevishenko
Chính ủy quân đoàn
A. F. Koliabov
Thiếu tướng
M. V. Zakharov


Thượng tướng M. P. Kirponos Tư lệnh Quân khu đặc biệt Kiev

Trên toàn tuyến mặt trận, binh lực được bố trí thành hai thê đội phòng thủ. 48 sư đoàn thuộc thê đội một bố trí cách biên giới quốc gia từ 10 đến 50 km. Trong đó, bộ binh bố trí phía trước, xe tăng, cơ giới, pháo binh bố trí xa hơn. Chủ lực các quân khu tổng cộng 101 sư đoàn bố trí ở tuyến hai cách đường biên giới quốc gia từ 80 đến 300 km. Hai bên sườn quân khu Leningrad, sườn phải Quân khu Pribaltic và sườn trái Quân khu Odessa có hải quân tuần duyên và pháo bờ biển bảo vệ. Ngoài ra, còn có trên 200 đồn biên phòng thuộc Bộ Dân ủy Nội vụ, quân số mỗi đồn tương đương một trung đội bố trí ngay trên đường biên giới[64].

Các quân khu trong nội địa

  • Quân khu Volkhov: Bố trí phía sau các Quân khu Leningrad và Pribaltic.
  • Quân khu Moskva: Bố trí phía sau Quân khu đặc biệt miền Tây.
  • Quân khu Privolga: Bố trí phía sau Quân khu đặc biệt Kiev.
  • Quân khu Zakavkaz: Bố trí tại vùng thảo nguyên Kuban và vùng núi Kavkaz
  • Quân khu Ural: Bố trí tại phía tây dãy núi Ural

Kế hoạch KOVO-41

Từ giữa năm 1940, Bộ Quốc phòng Liên Xô đã giao cho Bộ Tổng tham mưu mà trực tiếp là tổ kế hoạch tác chiến lần lượt do nguyên soái B. M. Shaposhnikov, đại tướng K. A. Meretskov và trung tướng N. F. Vatutin phụ trách xây dựng kế hoạch phòng thủ biên giới quốc gia. Sau ba bốn lần được đưa ra Hội đồng Quốc phòng Liên Xô để bàn thảo và chỉnh sửa; đến tháng 4 năm 1941, bản Kế hoạch được đích thân Stalin phê chuẩn và chính thức mang mật danh "KOVO-41"[65][66].

Nội dung kế hoạch gồm 4 điểm cơ bản cần thực hiện:

  • Trong trường hợp có nguy cơ chiến tranh, các lực lượng vũ trang phải ở tư thế sẵn sàng chiến đấu.
  • Lập tức tiến hành động viên quân dự bị trên toàn liên bang.
  • Phát triển các đơn vị đúng với biên chế thời chiến theo kế hoạch động viên.
  • Tập trung và triển khai tất cả các lực lượng được động viên trên các vùng biên giới phía Tây theo kế hoạch của các quân khu biên giới và Bộ Tổng tư lệnh.

Theo kế hoạch này, hướng tấn công được coi là nguy hiểm nhất của quân đội Đức Quốc xã vào Liên Xô là hướng Tây Nam (Quân khu đặc biệt Kiev và Quân khu Odessa). Stalin hoàn toàn đồng ý với nhận định này[67]. Kế hoạch "KOVO-41" được chia ra theo các nhiệm vụ cụ thể của từng quân khu và lần lượt được gửi kèm theo các Chỉ thị số UN/584814 và UN/584815 ngày 8 tháng 4 năm 1941 của Bộ Tổng tham mưu Quân đội Liên Xô đến các Quân khu để hướng các hoạt động triển khai kế hoạch này. Các chỉ thị yêu cầu:

Cho đến khi có chỉ thị đặc biệt các khu phòng thủ giữ nguyên trạng thái cũ. Khi chiến tranh nổ ra, cần tiến hành các biện pháp:
  • Thành lập bộ máy chỉ huy các vùng phòng thủ.
  • Củng cố hệ thống hỏa lực, gia cố công sự bằng đất, gỗ, bê tông, đá hộc.
  • Tính toán nhu cầu về vũ khí và trang thiết bị bên trong; chú ý đến các công sự bê tông cốt sắt đã được xây dựng trong các năm 1938-1939 (trên đường biên giới cũ)[68].

Cũng trong khuôn khổ "KOVO-41", ngày 13 tháng 5, Bộ Tổng tham mưu Liên Xô điều động 28 sư đoàn từ các quân khu ở sâu trong nội địa ra phía Tây: Tập đoàn quân 22 từ Ural ra đến Velikiye Luki, tập đoàn quân 21 từ Privolga đến Gomel, tập đoàn quân 19 từ Bắc Kavkaz đến Belaya Tserkov, tập đoàn quân 16 từ Zabaikal đến Shepetivka, quân đoàn bộ binh nhẹ 25 từ Kharkov đến Tây Dvina[69].

Bốn điểm mấu chốt của "KOVO-41" mãi đến sáng ngày 22 tháng 6 mới có quyết định thi hành và được diễn giải bằng một bức điện khá dài và không rõ nghĩa trong khi hàng trăm sư đoàn Đức đã vượt biên giới và hàng nghìn máy bay Đức đã trút bom xuống lãnh thổ Liên Xô. Khi các Phòng tác chiến của các Quân khu biên giới mở các phong bì tuyệt mật chứa kế hoạch "KOVO-41" thì Quân đội Đức Quốc xã đã bắt đầu tấn công được hơn 3 giờ đồng hồ. Theo nguyên soái I. Kh. Bagramian (khi đó là Đại tá, Trưởng phòng tác chiến Quân khu đặc biệt Kiev), chỉ cần Bộ Tổng tham mưu phát một bức điện ngắn với nội dung "KOVO-41 có hiệu lực" là đủ[70].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Barbarossa http://www.militaryhistoryonline.com/wwii/articles... http://www.ruslib.com/MEMUARY/GERM/shirer1.txt_Pie... http://www.english.uiuc.edu/maps/ww2/barbarossa.ht... http://www.foia.cia.gov/CPE/CAESAR/caesar-25.pdf http://klio.ilad.lv/11_1_.php http://www.army.mil/cmh-pg/books/wwii/balkan/20_26... http://www.army.mil/cmh-pg/books/wwii/balkan/appen... http://www.ushmm.org/wlc/article.php?lang=en&Modul... http://www.jourclub.ru/12/202 http://www.krunch.ru/blog/history/29.html